Về bổ đề Zorn (bài viết cho người mới học)

Nếu bạn có thời gian ngồi đọc hết chương 1 cuốn sách của hai tác giả Hewitt, Stromberg, Real and abstract analysis, thì bạn không phải đọc bài này làm gì cả, vì những điều viết ở đây đều có trong đó, và ở mức độ sơ đẳng mà thôi. Ngoài ra ở đây cũng nhắc tới các dạng tương đương của bổ đề Zorn. Mặc dù khá sơ sài, nhưng nó cũng gợi ý cho những ai muốn tự học muốn học cái gì đó cho riêng họ mà lại có ích.

1) Phát biểu bổ đề Zorn

Nếu một tập sắp thứ tự X nào đó có tính chất “mọi dây chuyền khác rỗng đều có phần tử chặn trên”, thì tập đó có ít nhất một phần tử cực đại.

Blog này không định đưa ra chứng minh sự tương đương của bổ đề Zorn với các phát biểu khác (như Tiên Đề Chọn, Nguyên lý tối đại Hausdorff v.v.), vì nó phức tạp, mà thông qua ví dụ và giải thích thuật ngữ để người đọc nắm được nội dung và áp dụng của bổ đề Zorn. Về cơ bản, bổ đề Zorn là chi tiết kỹ thuật của lý thuyết tập hợp mà thôi. Nếu bạn thao tác với các bài toán đơn giản một cách kỹ càng thì bạn sẽ thấy bổ đề Zorn là điều tự nhiên nghĩ tới.

2) Giải thích thuật ngữ

– tập X được gọi là sắp thứ tự nếu nó có một quan hệ thứ tự, thường ký hiệu là \leq hoặc \preccurlyeq.  Quan hệ thứ tự trên X là một tập con của tích Descartes X\times X thỏa mãn tính chất phản xạ, phản xứng (tức là nếu x\leq yy\leq x thì x=y), và bắc cầu.

– một số giáo trình dùng thuật ngữ “sắp thứ tự bộ phận” thay cho thuật ngữ “sắp thứ tự” nêu ở trên. Lý do cho từ bộ phận là: trong tập sắp thứ tự (với nghĩa ở trên), có thể tồn tại các phần tử xy sao cho hai phần tử này không thể so sánh với nhau được.

– trong trường hợp mà hai phần tử bất kỳ x,y đều có thể so sánh được, tức là hoặc x\leq y hoặc y\leq x, thì ta nói Xtập sắp thứ tự toàn phần.

– một dây chuyền trong tập sắp thứ tự X là một tập con của X, thỏa mãn thứ tự đã có trên X hạn chế lên tập này lập thành một tập sắp thứ tự toàn phần.

– phần tử x\in X được gọi là cực đại nếu với y\in X thỏa mãn x\leq y thì y = x. Phần tử cực đại không nhất thiết phải tồn tại. Ví dụ tập \mathbb{R} cùng thứ tự thông thường không có phần tử cực đại. Phần tử cực đại cũng không nhất thiết duy nhất (nếu tồn tại).

Cập nhật: – Cho X là tập sắp thứ tự và A\subset X là một tập con. Phần tử x\in X được gọi là chặn trên của A nếu y\leq x với mọi y\in A.

3) Thứ tự nào hay được dùng nhất?

– ngoài các thứ tự thông thường của các tập con của tập số thực, thì thứ tự hay dùng nhất chính là thứ tự cho bởi quan hệ bao hàm. Cụ thể như sau: Cho X là một tập bất kỳ. Khi đó, trên tập các tập con của X, ký hiệu là \mathcal{P}(X), ta trang bị thứ tự sau: Nếu Y, Z\subset X, ta nói Y nhỏ hơn hoặc bằng Z nếu Y\subset Z.

Bạn hoàn toàn có thể định nghĩa theo kiểu ngược lại: Y nhỏ hơn hoặc bằng Z nếu Y\supset Z. Điều đó phụ thuộc vào nhu cầu trong thực tế mà thôi.

– một ứng dụng của quan hệ thứ tự này chính là định nghĩa hội tụ Moore-Smith cho lưới trong không gian topo.

4) Một vài ứng dụng đơn giản của Bổ đề Zorn

Mục này trình bày một vài kết quả sưu tầm trong quá trình học, và theo như tôi nhớ đều có trong sách của Hewitt, Stromberg.

Bài 1: Cho XY là hai tập khác rỗng. Khi đó luôn tồn tại một đơn ánh hoặc một toàn ánh từ X vào Y.

Giải: Xét tập \mathcal{Z} các cặp (B,f) trong đó B là tập con của Xf\colon B\to Y là một đơn ánh. Ta thấy là \mathcal{Z} là khác rỗng, vì ta có thể chọn B là tập 1 phần tử và dễ dàng thiết kế một đơn ánh.

Ta trang bị cho \mathcal{Z} quan hệ thứ tự như sau: (B,f)\leq (B',f') khi và chỉ khi B \subset B'\left.f'\right|_B=f.

Ta chứng minh \mathcal{Z} cùng với thứ tự này thỏa mãn bổ đề Zorn. Giả sử \{(B_i,f_i)~:~i\in I\} là một dây chuyền. Khi đó đặt B = \cup_{i\in I}B_i và xây dựng f\colon B\to Y như sau: nếu x\in B_i, ta đặt f(x) = f_i(x). Do đây là dây chuyền, nên việc đặt như vậy không phụ thuộc vào i.

Khi đó (B,f)\in \mathcal{Z} (bạn đọc nên tự chứng minh điều đó), và là chặn trên của dây chuyền trên.

Như vậy, theo bổ đề Zorn, \mathcal{Z} có phần tử cực đại, ký hiệu là (A,f) nào đó. Nếu A\equiv X thì ta thu được một đơn ánh f\colon X\to Y.

Nếu A\subsetneqq Xf(A)\subsetneqq Y, thì ta lấy một phần tử x\in X\backslash Ay\in Y\backslash f(A), và thiết kế g\colon A\cup \{x\}\to Y như sau: g(x) =y\left. g\right|_A=f. Đây là đơn ánh mới xác định trên tập to hơn A, mâu thuẫn với tính chất cực đại của (A,f). Mâu thuẫn này nói rằng f(A) =Y. Ta chọn một phần tử bất kỳ y_0\in Y. Và với mọi x\in X\backslash A, ta đặt g(x) = y_0 và g hạn chế lên A chính là f. Khi đó g\colon X\to Y là một toàn ánh.

Bài 2: Mọi không gian vector đều có một cơ sở (và cơ sở đó được gọi là cơ sở Hamel).

Với không gian hữu hạn chiều, các bạn đã học cách chứng minh trong bất kỳ giáo trình ĐSTT chuẩn mực, bằng cách là bổ sung dần các vector độc lập tuyến tính để thu được tập độc lập tuyến tính cực đại, và từ đó suy ra đó phải là cơ sở.

Cách làm đó vẫn có thể tiến hành với sự trợ giúp của bổ đề Zorn.

Giải: Ký hiệu \mathcal{B} là tập các tập con độc lập tuyến tính của không gian vector V đang xét. Ta cũng lại xét quan hệ thứ tự bao hàm: tập này nhỏ hơn tập kia nếu nó là tập con. Dễ chứng minh \mathcal{B} cũng thỏa mãn bổ đề Zorn, và vì thế có phần tử tối đại. Phần tử tối đại này là một tập các vector độc lập tuyến tính trong V. Nếu tập này không sinh ra V thì ta có thể bổ sung thêm 1 vector để tập đó vẫn độc lập tuyến tính, và vì thế nó không còn là cực đại. Điều đó là mâu thuẫn.

Tiếp theo là ví dụ về ideal. Cái này có lẽ không có trong sách của Hewitt, Stromberg.

Bài 3: Cho A là vành giao hoán có đơn vị. Khi đó mọi ideal thực sự của A đều nằm trong một ideal cực đại.

Bạn có thể xem lời giải ở file này (mặc dù tôi cũng chỉ xem qua phát biểu thôi). Lời giải mà tôi trình bày ở đây có thể giống trong đó.

Giải: Giả sử I\subset A là ideal đang xét. Ký hiệu \mathcal{Z} là tập các ideal thực sự của A mà chứa I. Trang bị cho tập này thứ tự bởi bao hàm tập hợp.  Ta phải chứng minh tập này thỏa mãn giả thiết của bổ đề Zorn.

Giả sử \mathcal{C} là một dây chuyền trong \mathcal{Z}. Khi đó đặt J là hợp của tất cả các phần tử của dây chuyền \mathcal{C}.

Ta phải chứng minh J\in\mathcal{Z}. Việc này sẽ dành cho bạn đọc, vì nó khá đơn giản. Lưu ý là điều kiện vành có đơn vị tham gia vào chứng minh ở chỗ: phần tử 1 không nằm trong bất kỳ ideal thực sự nào, nên 1 cũng không thuộc J, vì lẽ đó mà chứng minh được J\neq A.

Một bài tập cho các bạn áp dụng bổ đề Zorn.

Bài 4: Cho A là một vành giao hoán có đơn vị và S\subset A là tập nhân tính. Tức là 1\in S và với mọi x, y\in S thì xy\in S. Nếu I là một ideal của AI\cap S=\emptyset thì tồn tại ideal nguyên tố J sao cho I\subset JJ\cap S =\emptyset.

Nếu bạn đọc được tiếng Pháp thì có thể đọc lời giải ở đây.

Bài này đã được đăng trong théorie des ensembles và được gắn thẻ , , , , , , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

1 Responses to Về bổ đề Zorn (bài viết cho người mới học)

  1. axl-rose nói:

    Với ai không đọc được tiếng pháp thì bài 4 là định lý 1 trong sách của Kaplansky

    Click to access kaprings.pdf

Bình luận về bài viết này